Quan niệm rằng một bữa ăn hạnh phúc phải ngon – sạch – tiện, mong muốn truyền tới mọi người tình yêu gia đình, tình yêu cuộc sống, khởi đầu từ muối tôm Tây Ninh, Dh Foods đã lớn lên, với 150 loại gia vị thuần Việt thôi thúc người Việt khắp tứ phương tìm về mùi hương của bếp núc, mùi vị của sự đầm ấm.
Không chỉ được chắt chiu từ gia vị đặc sản nhiều vùng miền, trải dài từ địa đầu Hà Giang đến đất mũi Cà Mau, hay từ tinh hoa văn hoá được giao thoa giữa các cộng đồng dân tộc, mỗi sản phẩm gia vị của Dh Foods còn được nâng niu từ thiết kế, màu sắc với ý nghĩa tô thêm nhiều điểm nhấn cho gian bếp hiện đại.
Hệ giá trị đó khởi đầu từ ngày ông Dũng quyết định từ bỏ vị trí Tổng giám đốc, hay Chủ tịch HĐQT ở những tập đoàn lớn để chọn lại quay lại con đường khởi nghiệp vì tình yêu đất nước. Những tháng ngày ngụp lặn trong hũ gia vị vùng miền bắt đầu…
Chuỗi ngày khởi nghiệp của ông kéo dài hơn 3 thập kỷ với 3 lần khởi nghiệp ở Ba Lan. Sau những lần đó, ông từng chia sẻ: "Tôi đã trải qua những tháng ngày thành công rực rỡ trên thương trường, song cũng có những ngày tháng rơi vào vực sâu không ánh sáng". Ông có thể chia sẻ về thời điểm vực sâu không ánh sáng đó, bước ngoặt nào khiến ông trở lại Việt Nam?
Ngày đứng ở đỉnh cao thì tôi rất nhiều bạn bè, nhưng khi rơi xuống vực sâu lại rất ít bạn và cô đơn, chẳng mấy ai thích nhảy xuống vực cùng mình. Tôi thấy sốc. Thách thức rất nhiều, bế tắc toàn diện. Điều đó phần nào cũng là lỗi của tôi bởi sự kiêu căng, sự kiêu căng đẩy tôi đến thất bại.
Rồi tôi đến ngã rẽ khi vô tình gặp lại người bạn học thời cấp ba ở Ba Lan, người ấy có một công ty lớn ở Việt Nam. Tôi mới chia sẻ là tôi nhớ quê hương, tôi muốn về, và may quá người ấy đang rất cần người nên tôi quyết định thay đổi cuộc đời, xách vali về nước.
Khi nói chuyện với người bạn đó, tôi thấy cuộc đời nó rất ngắn. Chuyện làm ăn chỉ là một phần, lại không phải phần lớn nhất trong cuộc đời, miễn làm sao để có đủ ăn. Tôi chọn quay về vì tôi nghĩ mình là một người chăm chỉ, không đến nỗi ngu dốt, khi về nước tôi vẫn có thể đóng góp được cho công ty nào đó và cho xã hội.
Hồi trẻ tôi cứ nghĩ kinh doanh là phải đặt mục tiêu, phải làm giàu, phải kiếm nhiều tiền, đứng top đầu. Nhưng đến 50 tuổi thì tôi tự hỏi cuối cùng ta sống để làm gì? Kinh doanh là một cách để tồn tại, để trang trải thu nhập cho mình và mọi người xung quanh, suy ra kiếm tiền không phải là mục tiêu hàng đầu của cuộc đời tôi nữa.
Ở độ tuổi 50, ông là "bậc tiền bối" trên thương trường, điều đó giúp ông nắm chắc phần thắng trong tay hơn so với những người còn ít kinh nghiệm trải đời trong kinh doanh?
Đó là lợi thế và cũng không hẳn là lợi thế.
Thứ nhất, các bạn trẻ có tuổi xuân, các bạn có sức lực, có năng lượng, các bạn có thể vấp ngã rất đau rồi đứng dậy chạy tiếp. Còn sau 3 lần thất bại, tôi có kinh nghiệm hơn, tôi tránh được những mất mát và thất bại không cần thiết. Mặc dù có thể vẫn lặp lại nhưng tôi biết thời điểm nào cần phải chấm dứt nhanh, không nuối tiếc. Tôi tiết kiệm và rất thận trọng. Đó là một trong những yếu tố mà khi khởi nghiệp lần thứ tư này tôi có được.
Vậy khi bắt tay làm Dh Foods, điều đầu tiên mà ông nghĩ đến là gì?
Tôi từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, vị trí cao nhất ở một tập đoàn lớn, lương hàng trăm triệu một tháng. Sau đấy nghỉ việc, tôi có những lời mời với mức lương còn cao hơn nữa. Nhưng lương cao đồng nghĩa với áp lực cũng rất kinh khủng, mình phải làm những điều cổ đông thích chứ không phải điều mình thích.
Khi khởi nghiệp tôi không nghĩ về chuyện sẽ giàu, tôi làm vì thấy ở mảng gia vị tôi có thể tìm niềm vui trong đó. Tôi không tưởng tượng tầm vóc của Dh Foods sẽ như thế nào cả, không nghĩ là nó sẽ phải to. Lúc ấy tôi đã 50 tuổi, nghĩ cuộc sống cũng chả còn được bao nhiêu, còn 30 năm, 40 năm nữa thì hãy làm điều mà mình thích, điều khiến mình hạnh phúc. Đừng làm cái điều người khác thích.
30 năm sinh sống, học tập và làm việc tại Ba Lan, tôi rất nhớ gia vị đặc sản Việt. Tôi thấy tại các quầy hàng của Ba Lan, Đức, Cộng Hòa Séc có hàng ngàn loại gia vị bản địa và hàng trăm gia vị Thái Lan, Nhật Bản nhưng không có gia vị Việt. Điều tôi nghĩ đến khi đó chỉ là làm sao để gia vị Việt xuất hiện trên kệ bán hàng của thật nhiều nước, có thật nhiều người biết đến đặc sản và văn hóa của đất nước mình.
Là người Việt xa quê hương, ông Dũng hiểu rằng từ truyền thống cội nguồn sâu xa, bữa cơm gia đình chứa đựng những yếu tố văn hóa rất tinh tế và thú vị, lay động trái tim mỗi người về mái ấm gia đình. Xuất phát từ đó, sản phẩm gia vị của Dh Foods còn có ý nghĩa mang đến cho gia đình Việt những bữa ăn hạnh phúc.
Nhiều năm qua, Dh Foods luôn có một triết lý là mang lại bữa ăn hạnh phúc cho người Việt Nam. Ông định nghĩa như thế nào là một bữa ăn hạnh phúc?
Một bữa ăn hạnh phúc là một bữa ăn hài hòa. Với tôi, yếu tố ngon trong một bữa ăn hạnh phúc chỉ là tương đối, ngon vừa đủ nhưng phải sạch và tiện lợi. Một người phụ nữ vào bếp mất 2-3 tiếng đồng hồ thì có ngon đến mấy lúc ấy họ cũng không hạnh phúc nữa. Đơn cử như Tết chẳng hạn, rất nhiều người về quê phải nấu ăn từ 4 giờ sáng đến tối, lúc chuẩn bị xong cỗ thì cũng thấm mệt, tôi hỏi họ ăn Tết thế nào thì họ nói chẳng thấy ngon gì nữa. Việc nấu ăn cả ngày vào dịp Tết thì có thể chấp nhận, nhưng kéo dài đằng đẵng thì rất mệt mỏi.
Tôi nghĩ, thông minh trong cách chọn gia vị tiện lợi sẽ đóng góp 50% vào một bữa ăn hạnh phúc. Khi có một bữa ăn hạnh phúc thì cơ thể sẽ tiết ra những hợp chất hạnh phúc giúp ta cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống.
Sự tiện lợi mà ông nói được thể hiện như thế nào trong sản phẩm của Dh Foods?
Tôi lấy ví dụ về gói gia vị phở của Dh Foods, trong đó có hết tất cả các loại gia vị, từ hồi, quế, thảo quả… chỉ cần cho vào nồi là đủ. Còn ngày xưa ninh được một nồi nước phở rất kỳ công và khó. Quan trọng là dùng gia vị sẵn của Dh Foods nhưng chất lượng vẫn như nồi phở xưa bởi thành phần của chúng tôi là từ các nguyên liệu tự nhiên chứ không phải từ hóa chất.
Một số bà nội trợ cho biết họ thích chọn lọ gia vị của Dh Foods vì thiết kế đẹp, tiện và màu xanh lá rất đặc biệt. Dh Foods có dụng ý gì khi chọn gam màu đó?
Đúng vậy. Gia vị không chỉ để ăn mà còn là điểm nhấn màu sắc cho căn bếp hiện đại. Ngay từ đầu, công ty còn rất bé nhưng hũ đựng đã được đặt thiết kế riêng, khác hẳn trên thị trường. Ban đầu các nhà phân phối nói với tôi rằng gia vị Việt thì phải màu đỏ, màu vàng nhưng tôi dùng màu xanh vì hướng tới những sản phẩm sạch, sử dụng nguyên liệu tự nhiên. Theo thống kê thì 40% người trên thế giới bị dị ứng với hóa chất, còn ở Việt Nam tỉ lệ đó còn cao hơn. Thấu hiểu điều đó, chúng tôi đã tạo ra những vị mới cho muối sốt gia vị như vị kim quất chẳng hạn, nhất quán với tiêu chí "không màu tổng hợp, không chất bảo quản nhân tạo, không tạp chất"
Tết này, Dh Foods sẽ đưa ra thị trường 10.000 giỏ gia vị đựng trong giỏ tre đan ở làng nghề miền Bắc. Giấy, thừng, tre đều là thành phần tự nhiên, đó cũng là cách tôi muốn tạo ra giá trị gia tăng trong nghề thủ công ở Việt Nam, và cũng là để nâng tầm lĩnh vực gia vị.
Tặng cho ai đó 6 lọ gia vị đựng trong túi nilon tất nhiên họ sẽ không hạnh phúc bằng nhận được những chiếc giỏ tre đan của Dh Foods.
Theo ông, người Việt bây giờ đã có bữa ăn hạnh phúc hàng ngày chưa?
Tôi nghĩ là có nhưng không phải tất cả.
Bữa ăn ở Việt Nam rất quan trọng. Ở một số nước công nghiệp thì bữa ăn chỉ gọi là cho xong, nhưng người Việt vẫn rất trân trọng bữa ăn, nhất là những bữa cơm gia đình. Bữa ăn ở bên Tây là mỗi người một đĩa. Còn bữa cơm Việt hòa quyện bằng nhiều món và tất cả ngồi ăn chung với nhau, ngay cả nhà nghèo họ cũng cố gắng có được một bữa ăn chung nhiều món như vậy. Đó cũng là một nét văn hóa gắn kết gia đình của Việt Nam.
Hàng ngày, tôi dùng bữa trưa tại văn phòng, còn tối nào cũng về ăn cơm với gia đình. Tôi luôn cố gắng sắp xếp để quây quần trong bữa cơm nhà nhiều nhất có thể, mình phải làm được điều đó trước thì mới có thể hiểu và giúp khách hàng có những bữa ăn hạnh phúc đúng nghĩa.
Hành trình đi tìm gia vị khắp mọi miền đất nước của Dh Foods đã diễn ra như thế nào, thưa ông?
Trước khi về Việt Nam, tôi chẳng biết muối tây Ninh là gì, đến khi về nước rồi cũng không biết. Cho đến một lần đi công tác Campuchia, tới cửa khẩu thì các bạn trong công ty xuống và mang lên một túi lỉnh kỉnh đủ các hũ. Mình hỏi đó cái gì, thì họ mới khoe là muối Tây Ninh, tôi ngỡ ngàng hỏi "Tây Ninh mà có muối?" và ăn thử thì thấy rất ngon.
Tôi nhớ hành trình đầu tiên bao giờ cũng khó và vất vả nhất. Thời đó, các bạn ở công ty tôi chia nhau xuống các chợ ở Tây Ninh để tìm mua mẫu, đến tận nơi nói chuyện thì nhiều người chủ cơ sở họ không tiếp. Có thể vì họ nghĩ chúng tôi ăn cắp công thức hay gì đó, nhưng có vài người lại rất cởi mở mời vào. Khi biết chúng tôi có nhu cầu tìm đối tác gia công thì họ nhận lời, họ thấy được cơ hội để gia vị ở vùng quê có thể bán ra toàn quốc, xuất hiện trong siêu thị.
Rồi muối chanh Nha Trang, tôi cũng thấy nó rất ngon nhưng chỉ có các công ty sản xuất nhỏ lẻ chứ không phổ biến. Chẩm chéo, mắc mật, mắc khén thì tôi xem trên video thấy ở những vùng xa xôi họ ăn và du khách rất hứng thú…Tôi mua tất cả những thứ đó về thử, hỏi họ nấu bằng cách nào, pha trộn những nguyên liệu ra sao.
Nói chung, nguyên liệu, gia vị của Việt Nam đa dạng và phong phú. Trải dài từ Hà Giang đến Cà Mau, ta có rất nhiều vùng khí hậu, từ miền núi đến trung du, ôn đới đến nhiệt đới… trong khi ở nhiều nước họ chỉ có một, hai vùng khí hậu. Hơn nữa, Việt Nam có giao thoa văn hóa với Trung Quốc, Pháp, Thái, Khmer, Chăm… rồi đồng bào dân tộc Tây Bắc, trên cao nguyên…tạo ra vô vàn loại gia vị khác nhau. Chúng ta hoàn toàn có đủ tiềm năng để khẳng định một vị thế cao trên bản đồ gia vị thế giới.
Thế nhưng tiềm năng đó giờ đây vẫn chưa được khai thác hết, chưa được lan tỏa ra thế giới. Do vậy đó cũng là mong muốn, là tầm nhìn ngay từ những ngày đầu của Dh Foods và tôi cùng đội ngũ đang dần hiện thực hóa. Người Nhật Bản ăn muối Tây Ninh và mắm, người Pháp ăn sốt của Dh Foods và họ khen ngon. Tôi rất vui và cũng là niềm tự hào nho nhỏ. Dh Foods cũng vừa xuất khẩu container sa tế đầu tiên sang thị trường Nhật Bản và chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình mở rộng thêm nhiều chuyến hàng như vậy hơn nữa.
Sau đó thì sản phẩm gia vị của Dh Foods được làm ra như thế nào để tiếp tục hành trình đến tay người tiêu dùng khắp thế giới?
Ngay từ khâu lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu, chúng tôi yêu cầu phải đạt tiêu chuẩn, test ISO kỹ lưỡng. Nguyên liệu tự nhiên vẫn phải lựa bằng tay vì máy không thể thay thế con người được nên Dh Foods rất chú trọng.
Sau khi đóng gói, các sản phẩm sẽ được theo dõi ở khu vực bảo ôn 7-10 ngày để đảm bảo chất lượng bán thành phẩm, đồng thời tạo điều kiện cho bộ phận kiểm soát chất lượng theo dõi kiểm tra, các sản phẩm không đạt sẽ không được đưa ra thị trường.
Ban đầu, nhiều khi thu hồi hàng nhiều hơn là bán ra vì lúc ấy quy trình sản xuất chưa tốt, cũng là một gánh nặng. Khách hàng chỉ cần phản hồi màu sản phẩm thay đổi (do không dùng chất bảo quản thì sản phẩm có khả năng xuống màu theo thời gian), trông không bắt mắt nữa dù vẫn chưa hết hạn, chúng tôi đi thu từng cửa hàng một và sẵn sàng chấp nhận cái đó. Dần dần khi sản phẩm tốt hơn, vòng quay sản phẩm nhanh hơn thì tỷ lệ thu hồi giảm đi rất nhiều, bây giờ là khoảng dưới 1%.
Hiện Dh Foods có 150 sản phẩm gia vị, xuất khẩu đi khoảng 10 nước trên thế giới, tôi cũng đi rất từ từ chứ không vội, không bắt buộc mỗi năm phải tăng lên, mở rộng bao nhiêu. Gia vị của Thái, Nhật, của Ấn Độ đi trước mình rất là nhiều, mình cứ làm cái mình làm tốt nhất rồi một vài năm thì chắc chắn sẽ có cơ hội.
Nếu kinh doanh vì vui, vì thích chứ không phải vì làm giàu, vậy thì khách hàng - những người mua sản phẩm của Dh Foods có ý nghĩa gì đối với ông?
Dĩ nhiên khách hàng vô cùng quan trọng. Và trong công việc, tôi luôn đặt đội ngũ, cộng sự của mình ở vị trí cao nhất, bởi nếu họ không vui thì họ sẽ không làm khách hàng vui, khách hàng không vui thì không mua sản phẩm, dịch vụ của mình.
Cuối cùng thì ông muốn nói điều gì với những khách hàng của Dh Foods để họ cũng hạnh phúc như người sáng lập?
Tôi luôn mong là khách hàng sẽ dùng gia vị của Dh Foods nhiều hơn để tiết kiệm được thời gian, giúp cho gia đình họ hạnh phúc hơn, dành thời gian để cùng trải nghiệm những điều quý giá hơn.
Chúng tôi làm điều đó bằng tất cả sự chân thành và tử tế, từ trong sản phẩm đến dịch vụ, không đơn thuần chỉ là giới thiệu ẩm thực mà còn là mang cả hồn cốt của văn hoá Việt ra thế giới. Với Dh Foods, sự tử tế, cảm tình quan trọng hơn tất cả. Tử tế thì không bao giờ thiệt.
Cảm ơn ông về những chia sẻ này!
Bài: Ánh Dương
Theo Cafef: Người mang gia vị Việt ra thế giới và câu chuyện bữa ăn hạnh phúc (cafef.vn)