Hàng Việt khó lên kệ siêu thị, chuỗi cửa hàng ở nước ngoài

Chưa đủ sức đáp ứng các đơn hàng lớn

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), Bộ Công thương đã và đang triển khai nhiều hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại. Trong đó, đã "mở đường" đến được 17 thị trường thông qua các Hiệp định Thương mại tự do và hàng loạt quan hệ của Việt Nam với các đối tác quốc tế.

Với những hoạt động xúc tiến thương mại thời gian qua, Bộ Công thương cố gắng hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, trong quá trình hỗ trợ đã ghi nhận hai vấn đề.

Cụ thể, sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp về cơ bản không đạt được quy mô thương mại, chưa đáp ứng nhu cầu của nhà phân phối. Có trường hợp, khách hàng có nhu cầu đặt mua số lượng lớn sản phẩm để bao phủ hệ thống siêu thị tại một thị trường, nhưng khi Bộ Công thương giới thiệu thì các doanh nghiệp của chúng ta không đủ "sức" sản xuất.

"Ví dụ như lúc chúng tôi ở Bỉ, có đối tác ở Bắc Âu cần 50 container sữa dừa/tháng, chúng tôi gọi về Bến Tre và các tỉnh lân cận nhưng không đủ, đối tác này sau đó đã chuyển sau đặt mua từ Philippines. Điều đó là đáng tiếc", ông Phú chia sẻ.

 

Cùng với đó, ông Phú cho rằng, mặc dù thị trường đã mở cửa nhưng không phải vì thế mà hàng hóa mặc nhiên tự động được phân phối ở các hệ thống siêu thị nước ngoài. Để làm được điều đó, sản phẩm của chúng ta, đặc biệt là thực phẩm, nông sản phải đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu…

Đồng quan điểm, ông Jesper Clausen, Chủ tịch Ủy ban ngành Lương thực - Nông nghiệp và Thủy sản, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM) cho hay, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực vào tháng 8/2020. Đây là tiền đề tốt để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận thị trường châu Âu.

Một trong những nội dung có trong hiệp định trên là việc miễn giảm thuế. Khi thuế được dỡ bỏ, các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường châu Âu được hưởng lợi.

Ông Jesper Clausen còn cho hay, bên cạnh sự hưởng lợi này thì các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý tiêu chuẩn, nhu cầu của các nhà phân phối, nhà tiêu thụ, đảm bảo được các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm… Đó là những yêu cầu không hề dễ dàng, các doanh nghiệp cần chú ý và hoàn thiện.

"Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải đảm bảo mặt sản lượng để đáp ứng nhu cầu của các nhà bán lẻ, phân phối. Đó không chỉ là vấn đề chung của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, mà là bài toán chung của các doanh nghiệp vừa và nhỏ toàn cầu. Vì thế, việc đảm bảo chất lượng và sản lượng phải luôn song hành", ông Jesper Clausen thông tin.

Doanh nghiệp phải chủ động

Chia sẻ kinh nghiệm đưa sản phẩm Việt lên kệ các siêu thị ở nước ngoài, ông Nguyễn Trung Dũng, CEO Công ty Cổ phần DH Foods cho biết, từ khi về Việt Nam khởi nghiệp đã xác định đưa sản phẩm chiếm lĩnh các chuỗi siêu thị là mục tiêu.

Bởi vậy, ngay từ đầu, doanh nghiệp xác định mọi thứ đều phải chuẩn, từ mẫu mã, bao bì, sản phẩm, nguyên liệu, đến hồ sơ kế toán…

Ông Dũng nhìn nhận, đừng bao giờ giữ tư duy làm tạm rồi lớn lên sẽ làm bài bản; phải chỉnh chu từ đầu bởi khi có cơ hội đến, doanh nghiệp sẽ đủ điều kiện để đón lấy cơ hội. Đó cũng là lý do mà DH Foods hiện có mặt ở tất cả các chuỗi phân phối, bán lẻ lớn trên cả nước như: Lotte, Go!, WinMart…

Ngoài ra, khi sản phẩm đã vào được hệ thống siêu thị Việt Nam, khả năng vào được hệ thống phân phối nước ngoài rất là cao. "Như chúng tôi, ngay khi có một đơn vị của Pháp đặt vấn đề, vì đã sẵn sàng, minh bạch mọi thứ từ đầu nên chúng tôi nắm bắt được và xuất khẩu", ông Dũng nói. 

Theo ông Dũng, ban đầu, công ty còn nhỏ không nên xây dựng nhà máy mà chủ động đặt hàng gia công, tận dụng những công ty dư công suất, những công ty có thể phân phối, giao hàng đến từng cửa hàng tại Việt Nam.

"Không phải cái gì mình cũng phải tự làm, chỉ nên tập trung vào cái tốt nhất như phát triển sản phẩm, còn những cái khác có thể tận dụng nguồn lực bên ngoài", ông Dũng cho hay.

Còn theo ông Jesper Clausen, rất nhiều sản phẩm Việt Nam có danh tiếng tốt ở châu Âu như trái cây, nông sản, gia vị… Bên cạnh chất lượng, có một vài yếu tố cần lưu ý để tăng lợi thế cạnh tranh như: xu hướng phát triển xanh và bền vững, chú ý về giá cả vì châu Âu đang lạm phát, đồng tiền mất giá…

Ông Clausen đánh giá, các sản phẩm OCOP (Mỗi xã phường một sản phẩm) là một chương trình rất tốt và hiệu quả ở Việt Nam, nâng cao giá trị của các sản phẩm địa phương nhưng cần làm sao để thị trường châu Âu cũng phải hiểu được giá trị của sản phẩm OCOP.

Đối với các sản phẩm OCOP, cần tập trung nâng cao giá trị gia tăng vào một sản phẩm, chứ không phải sản xuất nhiều sản phẩm tương tự nhau để tự cạnh tranh, xô đổ lợi thế.

"Các doanh nghiệp Việt cũng nên chủ động tìm kiếm cơ hội, cơ chế đã có, các cơ hội từ các hiệp định cũng rộng mở, bởi vậy, doanh nghiệp cần chủ động tìm đến các tổ chức như EUROCHAM để tìm hiểu về thị trường, về nhu cầu và về các đối tác tiềm năng có thể hợp tác để xuất khẩu", ông Clausen thông tin thêm.

Bài: Nguyễn Tri

Theo Nhà Đầu Tư: Hàng Việt khó 'lên kệ' siêu thị, chuỗi cửa hàng ở nước ngoài (nhadautu.vn)