Ngoài việc tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường qua chương trình xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp cần đảm bảo chuẩn về mặt chất lượng, quy trình sản xuất sản phẩm để có thêm cơ hội tiến sâu vào các hệ thống bán lẻ trong và ngoài nước.
Thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tổ chức hội nghị “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các tỉnh thành phía Nam với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại”, với mục tiêu đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh, cung cấp giải pháp giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào mạng lưới phân phối nước ngoài.
Xúc tiến thương mại tạo cơ hội cho doanh nghiệp
Tại hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương - cho biết tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt đã tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tiêu dùng.
Đáng nói, nhiều đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta cũng bị tác động và gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và hợp tác chặt chẽ với cơ quan tổ chức, doanh nghiệp mở rộng kênh phân phối truyền thống, hiện đại. Tiếp tục củng cố và phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các hình thức xúc tiến thương mại như Hội nghị kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm,...qua đó kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài, góp phần thiết thực trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Tại hội nghị, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra các giải pháp trong hoạt động sản xuất, tiếp cận thị trường thông qua các kênh phân phối trong nước và thế giới.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương - đánh giá mạng lưới cung ứng hàng hóa cho người tiêu dùng, phục vụ đời sống và tiêu thụ hàng hóa trong nước của các tỉnh miền Nam luôn có sự bền chặt, vững chắc.
Mặc dù kinh tế trong những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên nhờ các tỉnh, thành đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại nên trong 6 tháng năm 2023, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng của các ngành hàng thiết yếu của cả nước khoảng 13%.
Bà Nga còn cho biết từ nay tới cuối năm sẽ có nhiều chương trình kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường trên toàn quốc, khuyến mãi tập trung,... Tại TP.HCM có chương trình thường niên là kết nối cung cầu với các tỉnh thành vào dịp cuối năm.
“Bộ Công Thương kỳ vọng, thông qua các chương trình này sẽ đẩy mạnh kích cầu nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tìm được đầu ra cho sản phẩm, nhất là các hệ thống bán lẻ hiện đại như Aeon, Winmart, Saigon Co.op, Central Retail… Ngoài ra, các tổ chức Xúc tiến thương mại sẽ đồng hành cùng Vụ thị trường trong nước, Sở Công Thương, doanh nghiệp triển khai các chương trình kinh tế xã hội theo chủ đề, theo đối tượng, vì xúc tiến thương mại là giải pháp, công cụ hữu hiệu thúc đẩy thị trường phát triển, giữ được số lượng hàng hóa bán lẻ tăng như thời gian qua”, bà Nga kỳ vọng.
Rộng cửa cho các sản phẩm đạt chất lượng lên kệ siêu thị
Đại diện các hệ thống bán lẻ như Aeon, WinMart, Central Retail… cho biết từ trước đến nay đơn vị đều có những chính sách riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp có sản phẩm đạt chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thời gian tới, các hệ thống bán lẻ trên sẽ tiếp tục tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do các Bộ ngành và địa phương tổ chức nhằm tìm kiếm nguồn hàng mới, đồng thời chia sẻ với các nhà cung cấp về xu hướng tiêu dùng hiện nay như việc đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm xanh, thân thiện môi trường và có giá cả cạnh tranh. Cùng với đó, mẫu mã bao bì bắt mắt và sự tiện lợi cũng là yếu tố cần được các nhà cung cấp quan tâm tới.
Bà Nguyễn Thị Thảo - Giám đốc Khối mua hàng cấp cao, Công ty WinCommerce - chuỗi bán lẻ WinMart - cho biết WinCommerce luôn tạo điều kiện, có những chính sách đồng hành cùng các doanh nghiệp địa phương trong việc đưa sản phẩm vào kệ hàng siêu thị. Theo đó, đơn vị thu mua hàng hóa đa dạng từ thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng nhanh, đồ uống, hóa mỹ phẩm, hàng gia dụng, hàng dệt may,... Đặc biệt, đơn vị cũng luôn đặt ra các tiêu chuẩn, yêu cầu về chất lượng cũng như quy trình sản xuất sản phẩm.
Cụ thể, về quy định của hệ thống WinCommerce yêu cầu các nhà cung cấp các hồ sơ về chất lượng sản phẩm như giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất hoặc là hồ sơ công bố chất lượng; đối với hộ doanh nghiệp hợp tác xã thì có cam kết về nuôi trồng, sản xuất các mặt hàng nông nghiệp và khuyến khích các loại giấy tờ khác Vietgap, hàng hóa hữu cơ, rau sạch,...
Về tiêu chuẩn sản phẩm, WinCommerce luôn đề cao chất lượng sản phẩm. Theo đó, trong quá trình chọn lựa sản phẩm cũng như kiểm soát chất lượng về quy trình nuôi trồng, sản xuất sản phẩm, điều này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Việt Nam trong việc sử dụng sản phẩm chất lượng cao, đồng thời điều này sẽ hỗ trợ các nhà cung cấp nâng cao năng lực, chất lượng hàng hóa.
“Hiện nay, WinCommerce có bộ phận kiểm soát chất lượng trong nội bộ, cứ 2 tháng 1 lần sẽ có buổi chia sẻ, tập huấn cho các nhà cung cấp, để họ hiểu về các yêu cầu về chất lượng hàng hóa, hướng dẫn các doanh nghiệp cải thiện quy trình để sản xuất hàng hóa đạt chất lượng”, bà Thảo cho biết.
Đối với việc xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, các chuyên gia quốc tế khuyến nghị các doanh nghiệp trước tiên cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu, nắm bắt xu hướng, chính sách thị trường của quốc gia mà doanh nghiệp muốn tiến vào.
Là một doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm xuất khẩu hàng hóa sang thị nhiều nước trên thế giới, ông Nguyễn Trung Dũng - CEO Công ty Cổ phần DH Foods - cho biết để sản phẩm có thể tiếp cận được thị trường quốc tế, các doanh nghiệp ngay từ đầu cần phải đảm bảo về mặt chất lượng, chuẩn về mẫu mã bao bì sản phẩm, đặc biệt là đăng ký nhãn hiệu. Ông Dũng cho rằng khi doanh nghiệp đảm bảo được các yếu tố trên thì việc tiếp cận các hệ thống bán hàng trong nước và nước ngoài sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Ngoài ra, tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế cũng là cơ hội để doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối và đàm phán với nhau.
“Để đưa được sản phẩm vào hệ thống siêu thị trên thế giới, doanh nghiệp cũng đã dành nhiều nguồn lực trong xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại. Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, chúng tôi đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước như Vietfood, Food Expo. Thông qua hội chợ, các nhà mua hàng nước ngoài đến tìm hiểu và từng bước sản phẩm của công ty đã xuất khẩu ra thế giới”, ông Dũng chia sẻ.
Theo Tạp chí Sở Hữu Trí Tuệ: Cơ hội cho doanh nghiệp đưa hàng lên kệ siêu thị (sohuutritue.net.vn)