Công dụng của tỏi và cách sử dụng

Tỏi là một gia vị rất quen thuộc trong căn bếp của mỗi nhà. Không chỉ góp mặt trong các món ăn, giúp các món ăn thơm ngon, hấp dẫn hơn, tỏi còn có rất nhiều công dụng trong y học và tốt cho sức khoẻ. Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá thêm về công dụng và cách sử dụng của tỏi.

 

Tên tiếng Việt: Tỏi, Đại toán, Hom kía, Co sluốn (Thái), Sluôn (Tày)

Tên khoa học: Allium sativum L
Họ: Hành Alliaceae
Công dụng: Kích thích tiêu hoá, chống viên, kháng khuẩn, ăn uống không tiêu, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, thấp khớp, trĩ nội, trĩ ngoài, đái tháo đường, viêm tá tràng.
Tính vị công năng: Tỏi có vị cay, mùi hôi, tính ấm, có tác dụng giải cảm, giải độc, tiêu đờm, lợi tiểu, hạ khí, trừ giun, thông quan.
 
TỎI (Allium sativum L.)

1. Mô tả về tỏi:

Tỏi là cây thân thảo, cao từ 30 đến 40 cm sống hàng năm. Với thân hành ngắn, hình tháp, nhiều hành con gọi là ánh tỏi, chúng có kích thước to nhỏ không đều nhau, xếp ép vào nhau quanh mỗi trục lõi. Tỏi có vỏ ngoài mỏng, màu trắng hoặc hơi hồng. Lá phẳng và hẹp, hình dài, mỏng, có bẹ to và dài, có rãnh dọc, đầu nhọn hoắt, hai mặt nhãn và gân song song.
Tỏi có cụm hoa màu trắng hay hồng có cuốn hình sợi dài, mọc ở ngọn thành đầu tròn, bao bọc bởi những lá mo có mũi nhọn rất dài. Mùa hoa quả vào tháng 8 đến tháng 11.

2. Phân bố sinh thái của Tỏi

Từ 3000 năm trước công nguyên, tỏi được biết đến ở Hy Lạp, Ấn Độ và Trung Quốc - đây là một trong những cây trồng cổ xưa nhất còn tồn tại đến ngày nay. Tỏi được người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp đưa từ châu Âu sang châu Mỹ. Trải qua hàng ngàn năm trồng và chọn lọc, tỏi trở thành cây trồng rộng rãi khắp thế giới, từ vùng khí hậu nhiệt đới xích đạo (5⁰) đến 50⁰ vĩ tuyến ở cả 2 bán cầu. Một số giống tỏi được trồng chủ yếu như A. sativum L var. sativum; var. typicum Regel; var. ophioscoiodon (Link) Doll và var. controversum (Schrader) Moore; chúng khác nhau về kích thước, hàm lượng tinh dầu, năng suất, đặc tính thích nghi khác nhau.
Ở Việt Nam, tỏi được trồng khắp các vùng từ Bắc vào Nam. Với hai nhóm tỏi củ nhỏ và củ to. Loại củ nhỏ được trồng nhiều ở phía Bắc với đặc điểm là thơm, nhiều tinh dầu, thích hợp trồng vào mùa xuân (tháng 1 - 2) với thời tiết ôn hoà, mát mẻ và thu hoạch vào mùa hè khoảng tháng 5 - 6 với nhiệt độ trên 22⁰C. Nhóm củ to được trồng nhiều ở các tính phía Nam, vùng ven biển miền Trung, đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi, Bình Thuận và Ninh Thuận; loại tỏi này thường được trồng trên đất cát pha, thích hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, nhiệt độ khoảng 22⁰ – 26⁰C
3. Thành phần hoá học:
Trong tỏi có 3 hoạt chất chính: allicin, liallyl sulfid và ajoen. Trong đó, allicin là hoạt chất mạnh nhất và quan trọng nhưng nó lại không hiện diện rõ ràng trong tỏi. Allicin được tạo ra khi chất alliin tiếp xúc 1 với enzym alliinase khi tỏi được nhai, bằm nhỏ hay được nghiền nát và là thành phần tạo mùi đặc trưng của tỏi (Alliin và enzym alliinase tồn tại trong những tế bào riêng biệt, khi tỏi chưa bị thái hoặc bằm ra), do đó, càng cắt nhỏ hoặc càng đập nát, hoạt tính của tỏi càng cao. Vì vậy, để tận dụng được hoạt tính allicin trong tỏi chúng ta nên cắt nhỏ hoặc đập nát tỏi càng nhiều càng tốt, không nên để nguyên cả củ tỏi khi xào nấu.
Một kí tỏi có thể cho ra từ 1 – 2g allicin. Allicin được xem là chất kháng sinh tự nhiên rất mạnh, mạnh hơn cả penicillin. Nước tỏi pha loãng 125.000 lần vẫn có dấu hiệu ức chế nhiều loại vi trùng gram âm và gram dương như Staphylococcus, Streptococcus, Salmonella, V. cholerae, B. dysenteriae, Mycobacterium tuberculosis. Tỏi cũng ức chế sự phát triển của nhiều loại siêu vi như siêu vi trái rạ, bại liệt, cúm và một số loại nấm gây bệnh ở da hoặc bộ phận sinh dục nữ như Candida.
Allicin là một chất không bền, dễ biến chất sau khi được tạo ra. Vì vậy, tỏi đập dập rồi nên sử dụng ngay vì càng dể lâu, chất allicin càng mất bớt hoạt tính. Hàm lượng allicin trong tép tỏi tươi sau khi giã nát một phút đã đạt 63%, nhưng sau 30 phút tiếp xúc với không khí chỉ còn 39% do chuyển hóa thành diallyl disulfide, vinydithiin, afoen. Đun nấu sẽ đẩy nhanh quá trình mất chất này.

4. Minh chứng – nghiên cứu khoa học của tỏi:

Bột tỏi đông khô được dùng điều trị cho 430 bệnh nhân bị các bệnh về tai mũi họng như viêm amidan cấp, viêm họng và viêm đường hô hấp trên mạn tính, viêm tai giữa cấp và mạn tính, viêm loét tiền đình, mũi. Trong các bệnh trên, chế phẩm bột tỏi đông khô có thể thay thế cho kháng sinh hoặc dùng kết hợp với kháng sinh. Tình trạng viêm nhiễm thoái lui rõ rệt, không có tác dụng phụ. Mười sáu bệnh nhân viêm màng não do Cryptococcus được điều trị với tỏi, kết quả tỷ lệ điều trị có hiệu quả là 65,75%.
Một thử nghiệm lâm sàng gồm 29 bệnh nhân uống mỗi ngày 1000 mg (hai viên nén) một chế phẩm tỏi khô cho thấy tỏi có tác dụng chữa đầy hơi, giảm đau vùng thượng vị, đau bụng, ợ hơi, buồn nôn. Một phân tích tổng hợp kết quả của 8 nghiên cứu lâm sàng trên tổng số 415 đối tượng dùng bột tỏi khô (viên nén) với liều 600 – 900 mg mỗi ngày, trong thời gian trung bình 12 tuần , đã kết luận tỏi có thể phần nào có tác dụng trên tăng huyết áp nhẹ, nhưng chưa đủ chứng cứ để có thể dùng tỏi làm thuốc điều trị tăng huyết áp một cách thông thường.
Một phân tích tổng hợp kết quả của 16 thử nghiệm lâm sàng trên tổng số 952 đối tượng dùng hàng ngày 600 – 900 mg bột tỏi khô hoặc 10 g tỏi sống, hay 18 mg tinh dầu tỏi, hoặc cao tỏi lão hóa, trong thời gian trung bình 12 tuần, cho thấy ở các đối tượng dùng tỏi có sự giảm trung bình 12% cholesterol toàn phần và 13% triglycerid trong huyết thanh. Một tổng quan khác của 8 nghiên cứu lâm sàng với 500 đối tượng có kết quả và kết luận tương tự.
Đã nhận xét thấy hoạt tính phân hủy fibrin trong huyết thanh bệnh nhân xơ vữa động mạch sau khi cho uống cao nước tỏi, tinh dầu và bột tỏi. Tỏi gây hoạt hóa sự phân hủy fibrin nội sinh trong nhiều giờ sau khi cho thuốc và tác dụng tăng lên khi uống thuốc đều đặn nhiều tháng. Nghiên cứu tác dụng huyết lưu biến cấp tính của liều 600 – 1200 mg bột tỏi khô cho thấy thuốc làm giảm độ nhớt của huyết tương, làm tăng hoạt tính của yếu tố hoạt hóa plasminogen ở mô và mức tỷ lệ thể tích huyết cầu. Tác dụng của tỏi trên huyết lưu biến học ở mạch kết mạc được xác định trong nghiên cứu lâm sàng. Bột tỏi (900) mg làm tăng đường kính trung bình của tiểu động mạch (4.2%) và tiểu tĩnh mạch (5.9%) so với đối chứng. Trong một nghiên cứu khác, ở những bệnh nhân tắc động mạch ngoại biên giai đoạn II được uống hàng ngày 800 mg bột tỏi trong 4 tuần, có sự tăng tốc độ tuần hoàn hồng cầu ở mao mạch, giảm độ nhớt và mức fibrinogen của huyết tương.
Trong nghiên cứu trên bệnh nhân tăng cholesterol máu điều trị với dung dịch ngâm chứa tinh dầu tỏi trong 3 tháng, sự kết dính và kết tập tiểu cầu giảm có ý nghĩa. Trong một nghiên cứu trong 3 năm, 432 bệnh nhân nhồi máu cơ tim được điều trị với tinh dầu tỏi chiết với ether (0.1 mg/kg/ ngày , tương đương với 2g tỏi tươi mỗi ngày). Trong nhóm điều trị với tỏi có số cơn nhồi máu mới ít hơn 35%, và số trường hợp chết ít hơn 45% so với nhóm chứng; nồng độ lipid huyết thanh cũng giảm. Trong thử nghiệm trên 12 người khỏe, liều hàng ngày 900 mg bột tỏi trong 14 ngày làm tăng hoạt tính của yếu tố hoạt hóa plasminogen của mô; sự kết tập tiểu cầu gây bởi adenosin diphosphat và colagen bị ức chế 2-4 giờ sau khi uống tỏi, và vẫn còn có mức thấp 7 – 10 ngày sau khi điều trị.
Cho 120 bệnh nhân uống bọt tỏi (800mg mỗi ngày) trong 4 tuần làm giảm mức glucose máu trung bình 11,6%. Một nghiên ứu cho bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin uống 700 mg bột tỏi mỗi ngày trong một tháng không thấy tác dụng hạ đường máu.
5. Bài thuốc có tỏi
  • Chữa vết thương phần mềm, bỏng nước: Tỏi, hành, trầu không dùng tươi, mỗi vị 330g, lá ớt tươi 200g, mật lợn 1 lít. Hành, tỏi bỏ vỏ cùng trầu không, lá ớt giã nhỏ, cho vào nửa lít nước nấu kỹ, lọc, cô còn khoảng 300 ml, cho vào 1kg đường, đun thành cao lỏng, cuối cùng cho mật lợn vào canh kỹ, đựng vào lọ kín. Vết thương rửa sạch, bôi cao vào. Ngày rửa và bôi thuốc một lần.
  • Chữa dịch tả: Tỏi 100g sắc với 300 ml nước, còn 100 ml, uống trong ngày.
  • Chữa sốt truyền nhiễm, cảm cúm: Tỏi giã vắt lấy nước cốt 10 ml uống. Dùng tỏi bọc bông nút mũi để chống lây.
  • Chữa sốt rét: Tỏi 6 – 7 củ, để sống 1 nửa, nướng chín một nửa, ăn hết, nôn hay đại tiện thông thì khỏi.
  • Chữa lỵ: Tỏi 10g giã nhỏ, ngâm vào 100 ml nước nguội trong 2 giờ, lọc bỏ bã, lấy nước thụt vào hậu môn, giữ lại khoảng 15 phút. Thụt mỗi ngày một lần. Đồng thời ăn hàng ngày 6g tỏi sống chia làm 3 lần. Điều trị 5 – 7 ngày thì có kết quả.
  • Trị giun kim, giun móc: Thường xuyên ăn tỏi sống và dùng nước tỏi 5% thụt vào hậu môn như chữa lỵ
  • Chữa đầy bụng, đại tiểu tiện không thông: Tỏi giã, rịt vào rốn (để cách bằng lá lốt hay lá trầu hơ héo), đồng thời lấy tỏi giã giập bọc bông lại, nhét vào hậu môn.
  • Chữa bệnh do Trichomonas, âm đạo lở ngứa: Tỏi 120 g giã nhỏ, ngâm trong 2 lít nước, rửa và thụt vào âm đạo
  • Chữa đơn sưng, mụn lở

+ Tỏi giã trộn với ít dầu vừng mà bôi.

+ Tỏi, bí đao, giã đắp

  • Chữa viêm họng: Lá tỏi, lá mướp, giã vắt lấy nước uống.
  • Thuốc cường dương ích thận: Tỏi, hẹ ăn với thịt dê trắng (400g tái). Cứ 3 ngày ăn một lần.
  • Chữa trúng phong cấm khẩu bại liệt nửa người, trẻ em kinh giản: Tỏi, nhũ hương, phòng phong, thương truật, xuyên khung, khổ tử, bồ kết (bỏ hạt), các vị bằng nhau và tất cả bằng 50%, thạch xương bồ bằng 50%.
  • Tán bột viên với hồ, dùng hùng hoàng làm áo, mỗi lần uống 1 viên bằng hạt ngô đồng, trẻ em uống nửa viên, với nước thang riêng tùy theo chứng bệnh.
  • Chữa đái rắt, đái buốt: Tỏi 1 củ, dành dành 7 quả. Giã xát đắp vào rốn
  • Chữa sai khớp, bong gân: Tỏi 1 củ, vòi voi (lá và hoa) 30g, muối ăn 10g. Tất cả giã nát đắp vào chỗ sưng tấy. Sau đó băng lại.

 

(Nguồn: http://tracuuduoclieu.vn)